Địa điểm: Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam
Đơn vị thiết kế: TAA design
Kiến trúc sư: Nguyễn Văn Thiên, Nguyễn Hữu Hậu, Nguyễn Sỹ Tuấn
Diện tích đất: 10,000 m2
Đơn vị xây dựng: nhân công địa phương
Năm hoàn thành: 2020
Dự án nằm trong bối cảnh đô thị mới khu công nghiệp tàu cảng, với quá trình xây dựng ồ ạt của các nhà máy, và khu dân cư hiện hữu. Sự phát triển nhanh chóng và thiếu cân bằng, thiếu các không gian công cộng cho người dân.
Công trình nằm trên khu đất 10,000m2, với đa chức năng công cộng, ăn uống, giải trí và vui chơi cho trẻ em… Thay vì tiếp cận kiến trúc bằng các cấu trúc sắt thép, hay những hình thái mang nặng tính công nghiệp, tính mô đun của bối cảnh đô thị, chúng tôi tiếp cận kiến trúc với sự thủ công, thô mộc và cảm xúc. Ý tưởng tạo ra một ngôi làng với những mái nhà, những hình ảnh gợi nhớ sự thân thuộc trong văn hóa truyền thống nhưng vẫn mang nét đương đại và sáng tạo thú vị.
Bố cục các khối theo từng cụm với sự đa dạng chức năng mỗi cụm khác nhau, cấu trúc mỗi cụm gồm các dãy nhà quây quần xung quanh một sân trong. Sự sắp xếp các cụm theo các phương khác nhau, tạo ra các góc nhìn thú vị. Bố cục tạo ra một tổ hợp đa dạng trong các cấu trúc điển hình: mái ngói dốc, hệ cột, hệ tường nửa rỗng, nửa đặc, là các cấu trúc quen thuộc của kiến trúc truyền thống với các cách thức thi công đơn giản và chi phí tiết kiệm.
Kiến trúc cung cấp một “ không gian nền “ dưới hệ mái nhà, không gian được đóng bởi 1 vách tường bao bọc để tạo ra sự riêng tư có chừng mực, và mở ra khoảng vườn sân trong, Các hoạt động diễn ra đa dạng và linh hoạt, sự liên kết không giới hạn cả trong nhà và ngoài vườn còn thể hiện qua cách xử lý ngôn ngữ sàn, phá đi đường nét song song với mái như cách thông thường, sàn lúc này như một vật thể tự do chuyển động cả trong và ngoài mái che đồng thời đưa cây xanh vào bên trong nhà. Các vách tường chạy xuyên suốt công trình, tạo ra sự ngăn chia không gian chính và lưu thông, đóng và mở thông qua các ô đục trên tường ngoài câu chuyện về kết nối giao thông, mở view nhìn vào các khoảng vườn còn là sự lưu thông của gió, và ánh sáng tự nhiên …
Vật liệu tạo cảm giác thô mộc, các bức tường được xử lý thô không đều màu, gỗ để nguyên bề mặt cưa cắt và lau 1 lớp dầu, sàn bê tông thô, tất cả hòa quyện tạo nên chất thơ mộc mạc của công trình.
Với các thủ pháp bố cục sân trong, tỉ lệ mái hiên và không gian, các kết cấu hệ cột, hệ mái, cách sử dụng vật liệu và tính thủ công, ý tưởng Vườn Phú Mỹ là một cách làm mới không gian với các cấu trúc của kiến trúc nhà truyền thống, trong bối cảnh đô thị hóa.